Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_Praha

Kết quả

Đài kỷ niệm chiếc xe tăng IS-2 số 23 tại Praha, (ảnh chụp tháng 10 năm 1979)

Ngày 18 tháng 4, năm 1945, Cụm tập đoàn quân "Dự bị" (Đức) đầu hàng quân đội đồng minh Anh - Mỹ tại khu vực Ruhr. Ngày 22 tháng 4 năm 1945, Cụm tập đoàn quân "B" (Đức) đầu hàng quân đội đồng minh Anh-Mỹ ở miền Trung-Tây nước Đức. Ngày 29 tháng 4, Cụm tập đoàn quân "C" (Đức) đầu hàng quân đội đồng minh Anh - Mỹ ở Bắc Ý.[59] Ngày 1 tháng 5 năm 1945, Cụm tập đoàn quân "Áo" (Đức) đầu hàng quân đội Hoa Kỳ ở miền Trung nước Áo. Ngày 2 tháng 5 năm 1945, Cụm tập đoàn quân "Wisla" (Đức) đầu hàng quân đội Liên Xô tại khu vực Berlin và Đông Bắc nước Đức.[60] Ngày 4 tháng 5, Cụm tập đoàn quân "D" Đức đầu hàng các lực lượng Mỹ-Anh ở Tây-Bắc Đức, Hà Lan, Schleswig-Holstein và Đan Mạch. Ngày 5 tháng 5 năm 1945, Cụm tập đoàn quân "G" (Đức) đầu hàng quân đội Anh-Mỹ ở khu vực Bavaria.[59] Ngày 7 tháng 5 năm 1945, Cụm quân "Kurland" (Đức) đầu hàng quân đội Liên Xô tại bán đảo cùng tên trên đất Latvia. Ngày 12 tháng 5 năm 1945, Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đầu hàng quân đội Liên Xô ở phía Đông Praha.[42] Cùng với các chiến dịch của quân đội đồng minh Anh - Mỹ ở Mặt trận phía Tây và Chiến dịch Berlin, Chiến dịch Praha là chiến dịch kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu với thắng lợi hoàn toàn của phe Đồng Minh chống phát xít. Quân đội Liên Xô hoàn thành sứ mạng giải phóng Tiệp Khắc với cái giá phải trả là 140.000 sĩ quan và binh sĩ.[61][62]

Toàn bộ quân đội Đức Quốc xã tại Tiệp Khắc đều hoặc bị tiêu diệt, hoặc bị quân đội Liên Xô và quân đội Hoa Kỳ bắt làm tù binh. Toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của nước Đức Quốc xã trong khu vực đều bị phá hủy hoặc thu giữ.[63]

Praha là thành phố lớn cuối cùng ở châu Âu được giải phóng ngày 9 tháng 5 năm 1945. Ngày này trở thành ngày quốc khánh của Tiệp Khắc từ năm 1945 đến năm 1990.[56]

Đánh giá

Đánh giá chiến thắng của Hồng quân trong Chiến dịch Praha, Chủ tịch Tiệp Khắc Klement Gottwald phát biểu:

Ngày 9 tháng 5 là một ngày thực sự tuyệt vời và ngày kỷ niệm quốc gia lớn nhất của chúng tôi. Vào ngày này năm 1945, sự chiếm đóng của Đức Quốc xã đe dọa sự tồn vong của các dân tộc Séc và Slovakia đã chấm dứt vĩnh viễn. Ngày này đồng thời là một cột mốc lịch sử, khi các dân tộc Séc và Slovakia bắt đầu một kỷ nguyên mới tốt đẹp nhất trong lịch sử của họ, một kỷ nguyên của độc lập dân tộc thực sự, là thời đại làm chủ của con người, là thời đại tự do của quần chúng lao động, là thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa. Các điều kiện lịch sử đã làm nên một loạt sự kiện lịch sử trên đất nước chúng ta là gì? Yếu tố quan trọng và quyết định nhất là các lực lượng vũ trang Hồng quân, sự liên minh và sự hợp tác anh em của Liên Xô.
— Klement Gottwald.[2]
Huy chương Vì sự giải phóng Praha

Dưới cái bóng lớn của Chiến dịch Berlin, trong nhiều năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Chiến dịch Praha thường chỉ được đề cập đến trong một số lĩnh vực chính trị - xã hội và tuyên truyền. Tuy nhiên, các tướng lĩnh, sĩ quan Liên Xô tham gia Chiến dịch này ngày càng có nhiều ý kiến tổng kết về chiến dịch. Đánh giá chung của họ cho rằng đây là một trong các chiến dịch có tốc độ tấn công nhanh nhất trên mặt trận Xô-Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ở Phương diện quân Ukraina 1, tốc độ trung bình từ 30 đến 35 km/ngày.[42] Ở Phương diện quân Ukraina 2, tốc độ tấn công cũng đạt đến 35 km/ngày trên cánh trái và 25 km/ngày trên cánh phải.[2] Tại Phương diện quân Ukraina 4, tốc độ tấn công chậm hơn nhưng cũng đạt được mức 20 đến 25 km/ngày.[3]

Chiến dịch này cũng là một trong những chiến dịch có số lượng binh lực, vũ khí, phương tiện chiến tranh cùng tham gia vào hàng lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu. Quân đội Liên Xô, Romania và Tiệp Khắc có 181 sư đoàn và 19 lữ đoàn bộ binh, 3 tập đoàn quân xe tăng, 4 quân đoàn xe tăng và 2 quân đoàn cơ giới độc lập, 11 sư đoàn và 135 lữ đoàn, trung đoàn pháo binh; tổng quân số 2.028.000 người, được trang bị 30.452 pháo và súng cối, 1.960 xe tăng, 3.014 máy bay. Quân đội Đức Quốc xã có 62 sư đoàn bộ binh, 16 sư đoàn xe tăng và cơ giới, 35 trung đoàn và 120 tiểu đoàn độc lập. Tổng quân số trên 900.000 người, được trang bị 9.700 pháo và súng cối, 1.900 xe tăng và khoảng 1.000 máy bay.[3][11]

Chiến dịch Praha thu được thắng lợi nhanh chóng còn do hệ quả tinh thần từ Chiến dịch Berlin, quân đội Đức Quốc xã chiến đấu chỉ còn với mục đích chạy thoát nhanh hơn sang phía Tây để không phải đầu hàng quân đội Liên Xô mà đầu hàng quân đội đồng minh Anh và Hoa Kỳ. Do trung tâm chỉ huy của nước Đức Quốc xã bị chia cắt hoàn toàn với các mặt trận nên quân đội Đức Quốc xã tại khu vực phía Tây Tiệp Khắc bị cô lập hoàn toàn với các Cụm tập đoàn quân khác và chỉ còn liên lạc được với nhau qua điện đài. Sự thiếu phối hợp hành động là một nguyên nhân dẫn đến sự tan rã sớm của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức).

Ảnh hưởng

Tượng đài người lính Hồng quân Liên Xô tại nghĩa trang quân sự Olšansky, Praha

Sau chiến dịch này, hơn 50 đơn vị chiến đấu xuất sắc đã được mang tên "Praha". Xô Viết tối cao Liên Xô đã lập ra "Huy chương Vì sự giải phóng Praha", hơn 10.000 quân nhân Liên Xô, Tiệp Khắc, Romania và Ba Lan được tặng thưởng huy chương này. Hàng nghìn quân nhân Liên Xô, Tiệp Khắc, Romania và Ba Lan được tặng thưởng Huân chương của nhà nước Tiệp Khắc. Hàng trăm sĩ quan, binh sĩ được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Anh hùng Tiệp Khắc.

Sau chiến tranh, hàng chục nghĩa trang đã được thành lập để chôn cất thi thể và hài cốt của hơn 140.000 quân nhân Liên Xô và hàng chục nghìn quân nhân Tiệp Khắc, Ba Lan và Romania đã tử trận trong công cuộc giải phóng Tiệp Khắc. Trong đó, nghĩa trang lớn nhất là nghĩa trang Olsany ở Praha. Các đài tưởng niệm được dựng lên tại Praha và các thành phố miền Tây Tiệp Khắc như Teplice, Slavonice, Liberec, Liboc, Ruzyně. Trong cuộc khủng hoảng và sau sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, một số công trình đã bị xâm hại hoặc bị dỡ bỏ. Tượng đài kỷ niệm chiếc xe tăng IS-2 số 23 tham gia chiến dịch giải phóng Praha nguyên là một di tích quốc gia cũng bị dỡ bỏ khỏi quảng trường Kinský (nguyên là quảng trường Smíchově) ngày 13 tháng 6 năm 1991. Sau đó, nó được sơn thành màu hồng và chuyển đến Bảo tàng kỹ thuật quân sự Lešany bằng đường thủy dọc theo sông Vltava.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Praha http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1945W/... http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://www.rozhlas.cz/historie/valka/_zprava/16781... http://www.rozhlas.cz/wwii/osvobozeni/_zprava/kvet... http://www.rozhlas.cz/wwii/rozhlas/_zprava/zvukove... http://www.sds.cz/view.php?cisloclanku=2006050801 http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v...